
Dự án thường niên tìm hiểu lịch sử và giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam “Sử Ký Ngàn Năm” 2025 với chủ đề “Hương Mây Thép” đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự hưởng ứng, tham gia đông đảo đến từ các bạn sinh viên. Thông qua các hoạt động ý nghĩa khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần lịch sử, chương trình đã tạo cơ hội cho người tham gia được tìm hiểu về những ngày tháng gian khó nhất trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là hình ảnh những người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường trong chiến đấu. Thế hệ trước đã lập nên những chiến công vĩ đại, vì vậy thế hệ hôm nay có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử đó, để đất nước ngày càng hùng mạnh, độc lập và tự do. Để từ đó, sinh viên sẽ được truyền tải và nâng cao nhận thức của Đoàn viên thanh niên về những giá trị lịch sử trong việc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thắp lên ngọn lửa yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong trái tim mỗi người Việt Nam.
Dự án được tổ chức với mong muốn tôn vinh những người phụ nữ trong kháng chiến, vừa dịu dàng, tinh tế nhưng cũng kiên cường, bất khuất trước gian khổ đến với các bạn sinh viên, Đoàn viên Thanh niên. Bên cạnh đó, dự án tạo môi trường nhằm khơi dậy và phát huy tính sáng tạo, áp dụng công nghệ trong việc mang tinh thần lịch sử dân tộc đến gần hơn và khơi dậy lòng yêu nước của thế hệ sinh viên trẻ hiện đại. Trong suốt chặng hành trình kéo dài gần 2 tháng, Dự án không chỉ nhận được sự quan tâm, ủng hộ đông đảo từ các bạn sinh viên trong và ngoài UEH, mà còn là sự tận tâm, đồng hành, hỗ trợ đến từ Quý Thầy Cô, Quý đơn vị, và các cá nhân.
Chặng 1: Chuỗi hoạt động truyền thông online và booth truyền thông trải nghiệm “Nữ tài đảm đang” (28/2 – 12/3/2025)
Hoạt động 1: Chuỗi bài truyền thông về vai trò của người phụ nữ trong kháng chiến được khai thác trên các phương diện.
Ở Chặng 1, trên tinh thần hướng về 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”, “Hương Mây Thép” đã mở đầu với 1 sản phẩm coming soon và 4 bài truyền thông với đa dạng các hình thức như podcast (đã phát hành trên Spotify), GIF hay video nhằm truyền tải hình ảnh người phụ nữ trong kháng chiến được khai thác trên các phương diện chiến đấu, thông tin, công tác hậu cần phục vụ chiến đấu và tri thức. Dự án thường niên tìm hiểu lịch sử và giáo dục truyền thống của dân tộc Việt Nam “Sử Ký Ngàn Năm” 2025 – “Hương Mây Thép” đã thành công với các bài truyền thông trên fanpage tiếp cận trung bình hơn 44.000 người và thu hút hơn 3.900 lượt tương tác, trong đó bài truyền thông có lượt tiếp cận cao nhất lên đến gần 31.000 lượt tiếp cận. Con số này đã chứng minh rằng dự án đã làm tốt với nhiệm vụ lan toả và tôn vinh hình ảnh người phụ nữ trong các công cuộc đấu tranh kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ – Đúng với mục tiêu đầu của chặng 1.
Bài đăng 1: “Anh hùng – Sáng mãi bản anh hùng ca về người phụ nữ Việt Nam”: Bài đăng viết về câu chuyện về nữ du kích tài ba Nguyễn Thị Chiên – Nữ anh hùng “tay không bắt giặc” đã ghi dấu ấn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bài đăng 2: “Bất khuất – Những mạch máu thép bất khuất của trái tim Cách mạng”: Bài đăng viết về con đường theo đuổi lẽ phải, theo đuổi Cách mạng, và những kỷ vật ghi dấu lại sự dũng cảm của những cô giao liên và nữ du kích của Cách mạng Việt Nam như cô Dương Kim Bằng và trang nhật ký, Lý Ngọc Phương và chiếc ví da, Nguyễn Thị Hữu và chiếc đồng hồ, Võ Hồng Điều và những vỏ hộp đạn cũ,…

Bài đăng 3: “Trung hậu – Những cành hồng tuệ tri của một thời khói lửa”: Bài đăng viết về cuộc đời của những nữ anh hùng tri thức, kiên cường và đầy bản lĩnh như Anh hùng đất cảng, nữ tù điên, anh hùng xê gái,…

Bài đăng 4: “Đảm đang – Người mẹ anh hùng bên bờ sông xanh”: Bài viết về mẹ Nguyễn Thị Suốt – một người mẹ Việt Nam anh hùng, một biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần quả cảm. “Mẹ Suốt” có lẽ là cái tên thân thương với bà con Quảng Bình và các chiến sĩ nơi chiến trường sông Nhật Lệ trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Đó là “biệt danh” mà mọi người dùng để gọi bà Nguyễn Thị Suốt – một người lái đò tần tảo nơi đất Quảng anh hùng.
Hoạt động 2: Dance challenge với chủ đề “Mở đường cùng Duli” trên nền tảng Tiktok
Hoạt động triển khai là một sân chơi đầy thú vị và tràn đầy sự sáng tạo dành cho các bạn sinh viên trên nền nhạc “Những cô gái mở đường”, với mục đích lan tỏa hình ảnh, niềm yêu thích, sự quan tâm của các bạn sinh viên đối với những giá trị lịch sử trong việc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hoạt động 3: Booth truyền thông (07/03-08/03/2025)
Chặng 1 còn đánh dấu một dấu ấn quan trọng với buổi truyền thông booth tại sảnh B1 vào 2 ngày 12-13/3/2025. Buổi truyền thông này với chủ đề về những người phụ nữ kháng chiến trên các phương diện “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” đã thu hút hơn 1000 người tiếp cận và đạt 2300 lượt tương tác. Hoạt động nhằm tái hiện lại một hành trình chân thực và xúc động bằng những trang sử hào hùng của dân tộc không chỉ được viết nên bởi những chiến công lẫy lừng, mà còn khắc sâu dấu chân của những người phụ nữ kiên trung, bất khuất. Những bức ảnh, thước phim, những hiện vật mang dấu ấn thời gian sẽ đưa bạn trở lại quá khứ, chạm vào những khoảnh khắc đầy tự hào. Không chỉ vậy, những thử thách tương tác thú vị sẽ giúp bạn hiểu hơn về những người phụ nữ anh hùng mà lịch sử đã ghi danh.

Trạm 1 – ĐỒNG: Triển lãm infographic kết hợp công nghệ ảnh động về chủ đề người phụ nữ trong kháng chiến.

Trạm 2 – TÂM: Sinh viên và Ban Tổ chức tiến hành trao đổi các câu hỏi vấn đáp xoay quanh về chủ đề những nữ anh hùng nổi bật, sự kiện lịch sử và về các tác phẩm nghệ thuật cùng chủ đề.

Trạm 3 – HIỆP: Sinh viên tìm kiếm thông tin và ghép thành các cụm mảnh ghép trùng khớp với nhau dựa vào các kiến thức được cung cấp ngay tại trạm về những người nữ anh hùng kháng chiến, từ đó xác định được mối liên hệ giữa các nhân vật và sự kiện lịch sử.

Trạm 4 – LỰC: Sinh viên được hướng dẫn sử dụng bộ dụng cụ tranh đính nhằm đính chiếc khuy áo vào bức tranh và bức tranh sẽ được sử dụng, cùng nhau góp sức thể hiện bức tranh với hình ảnh nữ Thiếu tướng Anh hùng Nguyễn Thị Định. Bức tranh được thực hiện với mục đích trao tặng lưu niệm ở chặng 2 của chương trình.

Qua chặng 1, hoạt động truyền thông đã thành công tôn vinh hình ảnh người phụ nữ trong các công cuộc đấu tranh kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đã truyền tải và nâng cao nhận thức của Đoàn viên thanh niên về những giá trị lịch sử trong việc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đồng thời nâng cao nhận thức của Đoàn viên thanh niên về tính lịch sử và xu hướng du lịch liên quan đến các địa điểm gắn liền với hành trình cách mạng của dân tộc
Chặng 2: Hoạt động thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu hình ảnh người phụ nữ trong các công cuộc đấu tranh kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với chủ đề “Nữ thép tiếp lửa” (12/03 – 27/04/2025)
Không chỉ dừng lại ở đó, chặng 2 đã đưa các bạn sinh viên về không gian số khi được triển khai trên hệ thống UEH Quiz gồm 30 câu hỏi từ mức độ khó đến dễ về những người phụ nữ kháng chiến trong các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Chỉ vài phút, vài câu hỏi, nhưng ai đó chợt biết thêm về một người nữ anh hùng vô danh, một trận đánh không ai nhắc tới. Kiến thức không chỉ được học, mà còn được khơi lại bằng lòng tự hào.

Từ đó, hoạt động đã tạo cơ hội cho sinh viên mở rộng kiến thức lịch sử về những người phụ nữ anh hùng lịch sử và các trận chiến tiêu biểu của phụ nữ trong kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Đồng thời hiểu biết thêm về lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc ta trong “Phong trào Đồng Khởi 1959-1960”. Cuộc thi đã thu hút hơn gần 3000 sinh viên toàn trường tham gia.
Chặng 3: “Nữ trung hào kiệt” (22 – 03/04/2025)
Hoạt động 1: Hành trình du lịch tham quan di tích, lịch sử và văn hóa ở Bến Tre (29/03 – 30/03/2025)
Chặng 3 là một hành trình rất khác. Ban Tổ chức đã rời thành phố, về với Bến Tre – nơi từng có những “Đội quân tóc dài” khiến cả thế giới phải khâm phục. Tour trải nghiệm do chính tay Ban Tổ chức thiết kế, vừa là để tham quan, vừa là để “chạm” – chạm vào lịch sử bằng tất cả sự chân thành và xúc động. Chuyến đi tham quan di tích, lịch sử và văn hóa ở Bến Tre đã diễn ra tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, di tích Đồng Khởi Bến Tre, bảo tàng Bến Tre, khu du lịch Cồn Phụng. Hoạt động đã thu hút hơn gần 15 sinh viên toàn trường tham gia. Trong chuyến đi, đoàn đã tổ chức làm lễ dâng hương, dâng hoa tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định.


Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đã trao tặng bức tranh Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Thị Định được thực hiện bằng nghệ thuật trang trí tranh cúc áo như những lời tri ân mà Ban Tổ chức và các bạn sinh viên muốn dành cho mảnh đất anh hùng.


Đặc biệt, đoàn tham quan đã có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, cảm nhận sâu sắc về hình ảnh của những nữ anh hùng cách mạng qua phần trò chuyện và chia sẻ với chứng nhân lịch sử thuộc Đội Quân Tóc Dài – bà Nguyễn Thị Cai. Trong buổi trò chuyện, các bạn sinh viên như được sống lại với những trang sử hào hùng cùng Bà, từ đó càng thêm tự hào và ngưỡng mộ trước những chiến công của Bà Nguyễn Thị Cai nói riêng và Đội Quân Tóc Dài nói chung đã bản lĩnh vượt ngàn chông gai.

Qua hoạt động, các bạn sinh viên được trau dồi kiến thức về lịch sử, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người nữ anh hùng cách mạng, thông qua tour tham quan, trải nghiệm, nghe thuyết minh các chiến công kháng chiến về Nữ tướng và tự hào về những dấu son lịch sử oai hùng về “Đội quân tóc dài” nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung. Vốn tư liệu quý giá thu thập được trong chuyến đi thực tế này sẽ trở thành nền tảng vững chắc trong đêm tổng kết “Đêm Chong Đèn” sắp tới
Hoạt động 2: Workshop khắc lược gỗ (02/04 – 03/04/2025)
Không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu, “Hương Mây Thép” còn lan tỏa Dự án thông qua hoạt động Workshop khắc lược gỗ. Từ đó, tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm thực hiện một vật dụng quen thuộc với người phụ nữ – lược gỗ hình múi bưởi. Đây không chỉ là vật dụng cá nhân mà còn mang giá trị tinh thần sâu sắc.


Diễn ra trong khoảng 60 phút – 90 phút, đây không chỉ là hành trình khắc lược, mà đó còn là quá trình kết nối với chính tâm hồn, với quá khứ và quê hương. Bởi chiếc lược gỗ gắn liền với vẻ đẹp truyền thống, tình yêu thương gia đình và ký ức quê hương, là sợi dây kết nối hậu phương và chiến tuyến. Giữa gian khổ, hành động giữ gìn mái tóc dài bằng chiếc lược gỗ trở thành biểu tượng cho phẩm giá, ý chí bất khuất và tinh thần mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam.
Chặng 4: “Nữ dệt trời Nam” (04/04 – 15/05/2025)
Khép lại Dự án là hoạt động tổng kết “Đêm Chong Đèn” – là một đêm trọn vẹn cảm xúc với sự phối hợp của nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, những điệu múa đầy sinh động, những câu chuyện chân thực và đặc biệt là sự rực rỡ, huyền ảo của những chuyển động ánh sáng tại chính hội trường A116. Qua từng tiết mục nghệ thuật, từng câu chuyện được kể, tất cả các bạn sinh viên sẽ cùng nhau sống lại những khoảnh khắc thiêng liêng, để từ đó thấm thía hơn giá trị của hòa bình, độc lập mà thế hệ đi trước đã đánh đổi bằng máu xương. Chương trình không chỉ là một đêm nghệ thuật mà còn là một hành trình giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và hun đúc tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ. Chương trình vinh hạnh nhận được sự tham dự của Cô Nguyễn Thị Nguyệt Ánh – Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo – Chính sách Luật pháp Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và Cô Trương Mỹ Lệ – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống – Thành Đoàn Thành phố.


Mở đầu chương trình chính là tiết mục “Mùa Lúa Chín”, do Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn TP.HCM biểu diễn, mang lại không khí vui tươi và sôi nổi trước khi chương trình chính thức bắt đầu.


Dự án nhận được sự đồng hành của các CLB/ Đội/ Nhóm trên địa bàn TP.HCM trong tiết mục nhạc kịch tái hiện lịch sử sống động. Tiết mục nhạc kịch hân hạnh nhận được sự đồng hành từ Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn TP.HCM, đội KỊCH BỤI trường Đại học Tôn Đức Thắng, Vũ đoàn Hương Việt với sự tập luyện và đầu tư cực kỳ công phu.



Đặc biệt, sự xuất hiện của ca sĩ Nguyễn Thiện Nhân – Quán quân Giọng Hát Việt Nhí “The Voice Kids” và là giọng ca trẻ đầy cảm xúc đã góp mặt trong “Đêm Chong Đèn” với Liên khúc Mashup “Huyền thoại Mẹ – Mẹ yêu con” đã lấy đi không ít nước mắt của người tham gia có mặt tại hội trường. Nhờ vậy, các sinh viên và đại biểu tham gia đã có dịp thưởng thức một màn trình diễn đầy cảm xúc, truyền tải được những công lao và hy sinh của người Mẹ Việt Nam Anh hùng thời bom rơi đạn nổ.

Với sự chuẩn bị chỉnh chu như vậy, Dự án thường niên tìm hiểu lịch sử và giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam “Sử Ký Ngàn Năm” 2025 – “Hương Mây Thép” đã thu hút hơn 400 sinh viên, đã hoàn thành tốt sứ mệnh lan tỏa những giá trị lịch sử Việt Nam mang đậm nét du lịch đến nhiều bạn trẻ hơn nữa, không chỉ sinh viên UEH mà là sinh viên trên toàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp nối sự thành công của chuyến đi Bến Tre tại chặng 3, cùng với việc tổng hợp các ý kiến, mong muốn của các bạn sinh viên về một chuyến đi “về nguồn” ý nghĩa như vậy, Ban Tổ chức đã tiếp tục Đêm Chong Đèn với chuyến đi “Hương Mẹ truyền đời” đến các khu di tích tại Củ Chi diễn ra vào ngày 27/04. Trong chuyến đi, đoàn sẽ thăm hỏi, tri ân các Mẹ Việt Nam Anh Hùng đã hiến dâng những gì quý giá nhất cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước, cho hòa bình, độc lập của dân tộc, đồng thời tổ chức sinh hoạt chính trị và tham gia dọn dẹp, vệ sinh đền đài tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, bia tưởng niệm tại địa phương, tổ chức sinh hoạt chính trị tại Địa đạo Củ Chi

Không còn ánh đèn sân khấu, không còn nhạc nền cảm xúc – chỉ còn tiếng bánh xe lăn trên con đường đỏ bụi, đưa đoàn tham quan tiến dần vào lòng đất. Củ Chi không chỉ có địa đạo – mà là cả một thế giới ký ức. Nơi ấy, mỗi mét đất đều từng thấm máu. Mỗi bậc thang đi xuống là một lần lặng người. Và mỗi câu chuyện được kể lại, là một lát cắt thời gian khiến ta nghẹn ngào.


Mong rằng sau chuyến đi, Ban Tổ chức cũng như các bạn sinh viên tham gia sẽ có cho mình những trải nghiệm, những câu chuyện thú vị, có cơ hội gặp gỡ và thăm hỏi những người mẹ Việt Nam anh hùng hay những nữ cựu chiến binh đầy bản lĩnh. Đồng thời, nhen nhóm, khơi dậy trong mỗi người niềm yêu thích với những trải nghiệm du lịch về nguồn nói riêng và Lịch sử nói chung.
Dự án thường niên tìm hiểu lịch sử và giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam “Sử Ký Ngàn Năm” 2025 – Hương Mây Thép đã chính thức khép lại, nhưng những giá trị mà hành trình này mang lại sẽ còn mãi đọng lại trong trái tim mỗi bạn sinh viên. Từ từng trang sử hào hùng đến những khoảnh khắc lắng đọng, chương trình không chỉ giúp các bạn sống lại với những khoảnh khắc thiêng liêng của dân tộc. Mong rằng sau hành trình ý nghĩa này, mỗi UEHer sẽ thêm trân quý những giá trị lịch sử, khắc ghi công lao của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập – tự do, và quan trọng hơn hết là tiếp tục giữ gìn, lan tỏa ngọn lửa ấy trong từng hành động nhỏ của chính mình.
Tin và ảnh: Đoàn – Hội Khoa Du lịch.