Bản tin du lịch DuLi – Land khoa Du lịch: Hà Giang – Vẻ đẹp con người vùng cao nguyên đá

Facebook
Twitter
LinkedIn

Hà Giang – vùng đất núi non thơ mộng, hùng vĩ được phủ lên từng lớp sương mù. Mảnh đất yên bình, những dãy đá nhấp nhô lên xuống, núi rừng trùng trùng điệp điệp, những ngôi nhà rải rác bên sườn núi, con đường đầy rẫy những hiểm trở nhưng Hà Giang luôn thu hút đông đảo du khách ghé thăm không những vì vẻ đẹp hoang sơ mà còn vì vẻ đẹp con người ở đây.

Từ ánh mắt hồn nhiên của những đứa trẻ vùng cao cho đến đời sống tinh thần của người dân bản địa đều níu giữ du khách không thể rời mắt.

Những đứa trẻ tại Hà Giang

Trẻ em, thế hệ được ví như mầm non tương lai của đất nước, được kỳ vọng sẽ giúp đất nước đạt được nhiều bước tiến mới. Những gương mặt ngây thơ với ánh mắt trong trẻo, đầu trần chân đất nhem nhuốc tội nghiệp nhưng rất đỗi đáng yêu. Bọn trẻ đến trường với những bộ quần áo đã bạc màu, sờn nát do thời gian, thậm chí còn chẳng có nổi dép để đi học thì ước mơ đi học với sách mới, vở mới dường như trở nên xa xỉ. Mặc dù cái nghèo cái đói vẫn còn đó nhưng nụ cười vẫn nở trên môi.

Trong cái rét cắt da cắt thịt của rừng núi, những đứa trẻ trong bộ quần áo phong phanh phải tự chăm sóc nhau, có khi hái đót làm chổi về bán, đem lưới ra giăng con tôm, con tép ở con sông gần nhà. Mặc dù cuộc sống đầy rẫy những khó khăn nhưng bọn trẻ vẫn giữ nét hồn nhiên ngây thơ vốn có. Niềm vui của lũ trẻ thật giản đơn, chỉ bằng những vật liệu thô sơ như tấm ván, bánh xe,…. chúng đã tạo ra trò chơi như trượt ván đất, lăn bánh xe,…. hoặc lang thang núi đồi.

(Nguồn ảnh: VnExpress)

Người trưởng thành – Thế hệ trọng yếu nơi đây

Một thế hệ tiếp theo, đó là người trưởng thành. Những con người ấy vẫn đang cật lực xây dựng một Hà Giang hiện đại nhưng không lu mờ các giá trị văn hóa. Văn hóa truyền thống Mông là 1 trong những nét đặc trưng cho văn hóa của người Hà Giang mà bạn không thể bỏ lỡ.

Vì mang nặng tính chất tự cung tự cấp nên ở đây nổi tiếng với truyền thống canh tác nương đá, trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác. Bên cạnh đó sản xuất thủ công của đồng bào Mông đạt đến trình độ khá cao như dệt, đan lát, làm đồ gỗ, rèn đúc…

(Nguồn ảnh: Internet)

Đời sống hôn nhân mang nhiều ảnh hưởng của phong tục, lễ nghi từ xưa

Về đời sống tình cảm và hôn nhân người dân cũng giống các dân tộc khác trong nước về cơ bản là một vợ một chồng nhưng mang nhiều ảnh hưởng của các phong tục, lễ nghi từ xưa để lại. Hôn nhân tiến hành theo ba bước: Dạm ngõ; Lễ hỏi; Lễ cưới.

Tục “háy pù” của dân tộc Mông

Người Mông có tục ”háy pù”, tức là trong trường hợp trai gái yêu nhau, cha mẹ thuận tình nhưng kinh tế khó khăn, hai người hẹn hò nhau tại một địa điểm, rồi chàng trai dắt tay cô gái về làm vợ. Vợ chồng người Mông rất ít bỏ nhau, họ sống với nhau hòa thuận, cùng làm ăn, cùng lên nương, xuống chợ và đi hội hè…

(Nguồn ảnh: Internet)

Biểu tượng tình cảm nơi đây có thể nhắc đến Lễ Hội chợ tình Khâu Vai

Lễ Hội chợ tình Khâu Vai ở Hà Giang đã trở thành một biểu tượng cho tình cảm người với người, tình cảm nam nữ nơi đây. Được tổ chức vào một ngày duy nhất hằng năm (27/3 âm lịch) giữa mùa xuân muôn hoa đua nhau nở rộ khoe sắc trong khung cảnh  núi non hùng vĩ, rạo rực trong tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn du dương, trầm bổng với tiếng khèn Mông, lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Mông, Nùng, Giấy… Khâu Vai đã trở thành nơi hội tụ của những đôi trai gái tìm bạn tình, của đôi lứa yêu nhau, của cả những người đã từng yêu nhau mà không lấy được nhau . Những người có mối tình trắc trở, yêu nhau nhưng không đến được với nhau, họ nhớ đến nhau và đến chợ tình tìm nhau tâm sự, kể cho nhau về gia đình hay chỉ đơn giản là gửi những tâm tình vui buồn qua những câu hát làn điệu dân ca quen thuộc. Đôi bạn tìm thấy nhau có thể tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27/3 họ mời nhau các loại bánh và uống rượu tâm sự, tình cảm của họ hoàn toàn trong sáng. Chiều 27/3 chợ tan, đôi bạn tình chia tay trong nuối tiếc và hẹn gặp lại vào phiên chợ năm sau.

(Nguồn ảnh: Internet)

Những “cây đại thụ” với tình cảm mãnh liệt

Và những người già, những cây đại thụ đã trải qua biết bao sương gió tại mảnh đất Hà Giang này, trong tâm hồn họ hình thành nên một tình yêu mãnh liệt, dù đôi lúc “mệt nhoài” vì tuổi tác, hay không còn nhạy bén, nhưng không có nghĩa là họ đánh mất tình yêu chốn núi rừng thơ mộng. Họ luôn mang cho mình một nét bản sắc dân tộc nói chung và người Hà Giang nói riêng.

(Nguồn ảnh: Zing.vn)

Nói đến dịp sum tụ, gặp gỡ gia đình, không thể không kể đến Lễ Tết của người Mông, họ đón người thân đi công tác, học hành, đi làm ăn xa trở về.  Đây cũng là dịp để âm dương giao hoà: Con cháu làm lễ cúng viếng tổ tiên và người Mông cũng cầu mong cho mọi sự được bình an, tốt đẹp. Họ quay quần bên nhau ăn bữa cơm, ông bà cha mẹ có dịp dạy dỗ con từ chuyện nhà đến chuyện xã hội. Quanh bữa cơm, thế hệ đi trước chia sẻ những kinh nghiệm cho con cái, an ủi, khuyên bảo những điều hay lẽ phải cho con cái, vừa tạo nên sự gần gũi vừa như những bài học kinh nghiệm được truyền dạy một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà thấm sâu vào con cái. Từ khi còn nhỏ, trẻ con đã được người lớn dạy bảo về sự nhường nhịn, lòng bao dung, vị tha và thương người. Với những phương pháp giáo dục như thuyết phục, hướng dẫn, chỉ bảo và bằng những việc làm, hành động cụ thể  trong cuộc sống hàng ngày của gia đình, những nét đẹp văn hóa gia đình sẽ được truyền từ đời này sang đời khác một cách tự giác.

(Nguồn ảnh: VnExpress)

Mảnh đất Hà Giang đa sắc màu dân tộc với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống; mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa và phong tục tập quán khác nhau. Họ  sống trên đất đá nhưng không khuất phục đói, nghèo, họ đùm bọc, giúp đỡ nhau. Họ nghèo về vật chất nhưng không nghèo về tinh thần, họ đoàn kết xây dựng, tích cực lao động, sản xuất để cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hà Giang là vậy, nét đẹp không chỉ thể hiện qua phong cảnh hùng vĩ nên thơ, mà nét đẹp còn hiện hữu rõ nét ở tình người, những con người Hà Giang luôn trân quý, giữ gìn và phát huy những văn hoá tốt đẹp của cội nguồn nơi mà họ sinh ra. Mỗi du khách khi đặt chân đến đây, chắc hẳn đều cảm nhận được sự nồng nhiệt, ấm áp từ tấm lòng rộng mở chào đón của họ, một phần có lẽ những con người đôn hậu ấy muốn gửi gắm đến ta những điều thú vị, nổi bật nhất của Hà Giang. Những giá trị ấy cũng góp phần quan trọng trong việc hướng đến du lịch xanh, không chỉ chú trọng đến phong cảnh, ẩm thực mà còn muốn những vị khách đến tham quan có những kiến thức sâu hơn về nếp sống, phong tục riêng của con người nơi đó.

Đoàn – Hội Khoa Du lịch

Facebook
Twitter
LinkedIn

TIN ĐỌC NHIỀU

Công ty TNHH PACAMA tuyển thực tập

Công ty Cổ phần Tập Đoàn Merap (MerapLion) tuyển thực tập

Công ty TNHH Dich vụ Kế toán ATP tuyển thực tập

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Biên Hòa Tuyển thực tập sinh

Công ty TNHH Thẩm Mỹ ZACY Tuyển thực tập

Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Long Thuận tuyển dụng thực tập sinh

Chương trình Tìm kiếm CTV tháng 04/2024 của HuReA Club: HuReArrakis – Finding your Spice

Sinh nhật lần thứ 30 CLB Võ thuật ĐH Kinh tế: Họa Niên